Tel: 450 442-3292

E-mail:

[email protected]



Tác Giả



Lê Mộng Nguyên



Paris (France)




Sơ lược tiểu sử:

Lê Mộng Nguyên, nhạc sĩ, tân hội viên chánh thức của Hàn Lâm Viện Khoa Học Hải Ngoại Pháp, giáo sư kinh tế học và luật khoa đại học Paris, Pháp.

Lê Mộng Nguyên, sinh ngày 5 tháng 5, năm 1930, tại Phú Xuân (Huế), tỉnh Thừa Thiên (miền Trung Việt Nam), là con trai áp út của một gia đình nho giáo, điền chủ ở tỉnh Thừa Thiên. Bút hiệu Yên Hà. Hiện cư ngụ tại Pháp.

Tác phẩm:
Hơn 15 tác phẩm nghiên cứu bằng Pháp ngữ.

Nhạc:
Gồm những ca khúc tiêu biểu nổi tiếng:

• Trăng Mờ Bên Suối
•Vó Ngựa Giang Hồ
•Một Chiều Thương Nhớ
• Trọng Thuỷ Mỵ Châu
• Chiều Thu
• Mưa Huế
• Hoàng Hoa Thôn
• Nhớ Huế
• Về Chơi Thôn Vĩ
• Ly Hương
• Đôi Mắt Nhung
• Xuân Tha Hương
• Lá Thư Cho Mẹ
• Chiều Vàng Trên Chợ Đông Ba
• Mùa Lúa Mới
• Trường Ca Quân Tiến
• Mừng Khánh Đản

 




Thu vàng và tâm hồn nghệ sĩ:


Qua mùa lá chết trong Vườn hoa
Luxembourg *





Vườn hoa Luxembourg vị trí giữa khu Saint Germain des Prés và Quartier Latin (thuộc Quận 5 và 6 của kinh thành hoa lệ), với một diện tích 23 mẫu Pháp nghĩa là 230 000 thước vuông, là một trong những vườn hoa lớn nhất, đẹp nhất và thơ mộng nhất ở Paris… Người du khách bước chân vào cổng chính ở Boulevard Saint Michel (bên kia đường là nhà ga RER Trạm Luxembourg), nếu bắt đầu đi về phía trái, sẽ thoáng thấy vong hồn nữ hoàng Marie de Médicis (1573-1642) còn lảng vảng đâu đây chung quanh lâu đài của Bà cùng tên (hiện nay là Thượng Nghị Viện sở tại của Cộng hòa Pháp) và nhất là khi dừng lại, ngồi trong chốc lát đặng thưởng ngoạn Suối Nước De Médicis như một thoáng hương xưa lôi cuốn về giữa hai thế kỷ 16-17 với những trang sử âm mưu của thời đại… Tiếp tục đi trên những con đường quanh co, người bộ hành với óc nhiều tưởng tượng sẽ thấy bóng dáng Marius de Pontmercy rình đợi xem Cosette dạo chơi bên cạnh cha nuôi Jean Valjean là những nhân vật trong tiểu thuyết « Les Misérables » (Những kẻ khốn cùng) của nhà đại văn hào Victor Hugo.

Vườn Luxembourg được xây đắp do ý muốn của Marie de Médicis, và trùng tu bởi Chalgrin duới thời Đệ Nhất đế chính Pháp – Premier Empire. Vườn hoa gồm một phần trung tâm với địa điểm một Bể Cạn Lớn, các lối đi trực tuyến, những vườn cảnh hương hoa đủ màu sắc tuyệt vời nhờ sự săn sóc ân cần của những nhà làm vườn và trồng hoa tăm tiếng.

Một Vườn Cao hình hai cung một nửa vòng được dựng xiêng hai bên Bể Cạn Lớn, vua Louis Philippe (1830-1848 : chế độ quân chủ lập hiến) cho thiết bị một hàng tượng của nhiều hoàng hậu và công chúa Pháp, bà nào cũng đẹp, cũng đáng yêu, đứng ngay sau một Nhà Âm Nhạc (Kiosque de musique) xinh xắn kiểu xưa, mà các Ban nhạc từ năm châu (cổ điển, phong tục địa phương, nhạc mới, jazz…) được thị trưởng kinh thành mời lại Paris đặng tham dự chương trình Quartier d’Été mà dân chúng Vườn hoa rất hâm mộ. Chỗ này thật đúng như người ta thường nói là nơi gặp gỡ hẹn hò của tình nhân lúc đầu cùng nhau âu yếm trước lúc chia tay, ngồi trên ghế kim thuộc (có đến hàng trăm) đủ mọi thứ : ghế thường, ghế có tay dựa, thấp hoặc cao mà trong những ngày đẹp trời, dân chúng Paris nhất là những nhà trí thức trưởng giả trú ngụ tại Quận 5, thích ngồi thanh thản, dưới bóng cây hay phơi nắng, đầy đủ tiện nghi để mơ mộng hoặc đọc sách, viết báo, làm thơ hay các sinh viên Đại học Paris-Sorbonne ôn chung bài học luật, triết, văn chương… trước kỳ thi cuối năm.

Trong suốt Vườn hoa, hành khách sẽ gặp nhiều pho tượng đá của những nghệ sĩ, nhạc sĩ, thi hào, văn hào và ngay cả những chính khách mà dân tộc biết ơn như Pierre Mendès-France (1907-1982) là Thủ tướng chính phủ (thời Đệ Tứ Cộng Hòa) đã ký hiệp định Genève năm 1954 (sau Điện Biên Phủ) nhằm đem lại hòa bình bằng cách chấm dứt chiến tranh Pháp-Việt Minh tại Đông Dương. Vì vậy du khách có cảm tưởng đi dạo chơi trong một Viện Bảo Tàng ở giữa trời.

Những trẻ em có thể thuê vài chiếc tàu buồm nhỏ và cho lướt sóng trên Bể Cạn Lớn, hoặc ngồi yên trên mình ngựa con (poneys) đi chậm từng bước trên Vườn Cao sát ngả đường Assas, Guynemer và Vaugirard, không xa Đài kỷ niệm nhà hội họa DELACROIX mà tác giả là điêu khắc gia Dalou, và căn nhà triển lãm Orangerie. Đối với kẻ đang dạo chơi, Vườn Hoa kiểu Anh quốc như muốn mời xem những con đường quanh co, ven hàng cây cối phần đông cổ thụ rất đẹp với hương tinh hiếm có như cây uất kim hương gốc tiểu bang Virginie, cây paulownia hoàng tộc gốc Nhật bản , cây bồ hòn Trung quốc, cây Judée, cây sên (micocoulier) xứ Provence, và ngay cả một cây Séquoia khổng lồ cạnh cổng nhỏ đi vào Vườn Luxembourg (hướng về Nam) đường Auguste Comte.

Ta cũng được xem một Sở Nương Cây (pépinière) duy nhất ở Paris gồm nhiều cây trái táo tây (pommiers) và cây lê (poiriers) cho nhiều quả, nhìn thấy thật quá ngon lành nhưng cấm hái ! Ở đây tất cả những cái gì đẹp và ích lợi… đều được tụ tập một cách thông minh để hiến dâng cho vạn vật, cho đời… : nhà gương để trồng cây (serres), các bài học nghề làm vườn (cours d’horticulture) và ngay cả một chỗ nuôi ong (rucher) với mục đích cho mọi du khách được xem những con ong hút nhụy hoa trong Vườn nổi tiếng nhất thuộc Đô Thành Ánh Sáng…

Vườn Luxembourg có tiếng là thơ mộng và lãng mạn vô cùng trong mùa thu, lúc người lữ khách đi ngang từ cổng chính dựng trước Đại lộ Saint Michel (Quận 5) tới cửa ra trước đường Vavin cạnh khu Montparnasse (Quận 14) là nơi trựu tập một thời của những nhà hội họa danh tiếng ở Paris, trong gió lá vàng rơi, chân đạp trên biết bao lá chết :
Les feuilles mortes se ramassent à la pelle,
Les souvenirs et les regrets aussi
Et le vent du nord les emporte
Dans la nuit froide de l’oubli
… Mais la vie sépare ceux qui s’aiment
Tout doucement, sans faire de bruit
Et la mer efface sur le sable
Les pas des amants désunis… (Jacques Prévert)

Nhà thơ nữ Vương Thu Thủy đã diễn tả một cách nhẹ nhàng, có thể nói là dửng dưng, song với những lời thơ không gọt giũa, nỗi lòng mình lúc mùa « Thu Trên Sông Seine » đương tàn :
Đêm qua ngồi đếm sao rơi
Lắng nghe thu rụng bên trời Paris
Sông Seine nước đến rồi đi
Luxembourg cỏ xanh ghi ngút ngàn

Đêm nay ngồi đón thu sang
Nhớ người thu ấy mênh mang thu này
Thu xưa duyên lở trót vay
Thu này lỗi hẹn ai hay mong chờ ?

Giòng sông lượn khúc lững lờ
Chiều về gió lộng, đôi bờ sông Seine
Paris sương phủ mong manh
Vàng thu lá đổ, phím đàn bâng khuâng

Đêm qua thu bỗng chuyển mình
Đêm nay thu rụng, dệt tình thơ yêu
Nhắn thu lá đổ muôn chiều
Vô tình thu đã để nhiều nhớ mong

Tôi xin dịch bốn câu đầu sang Pháp ngữ :
En comptant cette nuit-là les étoiles filantes,
j’écoutai attentivement l’automne finissant
dans le ciel de Paris sous lequel coule la Seine,
faisant ses adieux au jardin du Luxembourg
dont l’herbe tendre s’est encore pliée
au caprice du vent ondulant
par-dessus le feuillage des arbres et des plantes…

Và bốn câu cuối :
L’automne s’est mu soudain hier soir
avant d’achever aujourd’hui sa course illusoire
après avoir tissé un poème d’amour enivrant
destiné aux amoureux d’un autre temps
aux mille et mille feuilles volantes
tout en laissant indifféremment
d’ineffables souvenirs et de bonnes espérances …

Nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu, theo « Đặc Trưng » (trên mạng) « …sinh ngày 25 tháng 12 năm 1935 tại Nam Vang (Cao Miên), mất năm 1998 tại Sài Gòn. Nguyên quán của ông ở Hà Nội (có nơi chép là Nghệ An). Ông là con trắc địa sư Phạm Văn Lạng và bà Đào Thị Ngọc Thư vốn người ở Hà Nội sau đổi sang làm việc ở Cao Miên. Năm 1939, cha mẹ ông bị trục xuất ra khỏi đất Chùa Tháp, vì lý do chính trị, gia đình ông phải về sống ở Sài Gòn. Sau ngày Nam Bộ kháng chiến, thân phụ ông ra vùng tự do tham gia kháng chiến, bản thân ông gia nhập bộ đội chiến đấu ở chiến trường Đồng Tháp Mười. Đến năm 1953, ông bị thương nặng phải cưa cả chân, mẹ ông đã tìm cách đưa ông vào Sài Gòn cứu chữa. Sau hiệp định Genève ông sống ở Sài Gòn, theo học tại Viện Âm Nhạc Sài Gòn. Sau đó ông du học về âm nhạc tại Pháp hơn 7 năm. Những năm đầu 70 ông tốt nghiệp Conservatoire Supérieur de Musique de Paris. Ông là tác giả nhiều ca khúc, lãng mạn hiện đại và các loại hòa tấu có giá trị nghệ thuật cao. » Ngoài những tác phẩm tiêu biểu như Trường Làng Tôi, Cho Dù Năm Tháng , Một Trái Tim Một Quê Hương, Cho Em Còn Yêu, Một Mai Tôi Qua Đời, Quê Hương vân vân, bài Mùa Thu Không Trở Lại của Phạm Trọng Cầu được đồng bào yêu mến nhất vì rất cảm động, vừa thiểu não vừa nhung nhớ và đượm màu thời gian như dửng dưng trước một vết thương đau không hàn gắn… Người nhạc sĩ tài hoa mà tôi thương tiếc vô cùng lúc được tin ông mất trong năm 1998 tại Sài Gòn, đã giải nghĩa nguồn gốc hứng cảm của khúc ca bất hủ « Mùa Thu Không Trở Lại » của tác giả như sau : « Đối với tôi… là một mối tình xa xưa thời còn trai trẻ. Gặp nàng vào mùa xuân, mùa hạ tình nồng cháy và mùa thu nàng ra đi. Hôm tiễn nàng ra sân bay, tôi trở về nhà phải đi ngang qua khu vườn Luxembourg. Khu vườn đó, khi tôi đi ngang, tôi chợt nhận ra mùa thu, vì chân mình đá rất nhiều lá vàng, trong tôi tự nhiên vang một giai điệu « Em ra đi mùa thu, mùa thu không trở lại… » Dù là mùa thu ở Paris rất đẹp, nhưng mà từ mùa thu đó, với tôi, mùa thu không bao giờ trở lại nữa, chỉ có thế thôi » :
Em ra đi mùa thu
Mùa thu không trở lại
Em ra đi mùa thu
Sương mờ giăng âm u

Em ra đi mùa thu
Mùa thu không trở lại
Đếm lá úa mùa thu
Đo sầu ngập tim tôi

Ngày em đi
Mưa chơi vơi não nề
Qua vườn Luxembourg
sương rơi che phố mờ
Buồn này ai có mua ?

Từ chia ly
nghe rơi bao lá vàng
Ngập giòng nước sông Seine
Mưa rơi trên phím đàn
chừng nào cho tôi quên… hôm…

Em ra đi mùa thu
Mùa lá rơi ngập đường
Lá úa khóc người đi
Sương mờ dâng lên mi

Em ra đi mùa thu
Mùa thu không trở lại
Đếm lá úa sầu lên
Bao giờ cho tôi quên ?
………………………



*Nhạc sĩ Viện sĩ Hàn Lâm TS Lê Mộng Nguyên tâm tình với quí đồng hương quốc nội và hải ngoại trên Đài VNTD phát thanh từ Washington D.C. ngày 14 tháng 11 năm 2007







Mục lục | Liên Lạc



 


Free Web Template Provided by A Free Web Template.com